Chương XIII: TÌNH THƯƠNG ĐẦY THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

§I. - Sự bao la của tình thương đầy thương xót của Thiên Chúa.

- Chúa Giêsu đã đến để mặc khải cho ta biết về tình thương bao la đó.

S bao la của tình thương đầy thương xót của Thiên Chúa.– Khi duyệt qua một vài vẻ tuyệt hảo thần linh của Thiên Chúa, chúng ta đã khám phá ra những điều kỳ diệu. Cả những sự tốt lành thần linh mà thoạt xem, chúng ta cứ nghĩ là lạnh lùng, xa lạ, không có gì là dễ lôi kéo tâm tình, vậy mà những vẻ tốt lành đó đã xuất hiện trong một ánh sáng nồng ấm, khiến chúng ta sinh lòng tin tưởng và tín thác. Vậy sẽ nói gì về những sự tốt lành của Chúa thường gợi lên niềm an ủi và tin yêu, như lòng nhân hậu của Chúa, tình thương đầy thương xót của Chúa ? Ở đây Thiên Chúa không có vẻ gì là đáng sợ. Thiên Chúa đã bỏ đi tất cả những sấm sét của núi Sinai để đến với ta như một người Cha nhân từ.

Ngay ở trần gian này, nơi mà mọi sự đều mang một vẻ ít nhiều độc ác, nơi mà mọi ánh sáng đều có pha trộn bóng tối, mọi nhân đức đều còn vương những vết nhơ, vậy mà chúng ta vẫn gặp thấy những tâm hồn thánh thiện, đầy lòng bác ái, với những nụ cười hiền từ có thể băng bó mọi vết thương, những lời nói có thể cải hóa những con người tàn ác cứng lòng… Và chúng ta vẫn gặp thấy những người hiền lành thánh thiện với những cử chỉ vị tha khiến cả những kẻ bất lương phải cảm phục.

Bởi vậy khi ngước mắt nhìn lên cao, hướng về nguồn mạch mọi sự tốt lành, hướng lên lòng nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa, nhìn lên tình thương bao la và đầy thương xót của Ngài, chúng ta thấy tâm hồn mình an vui và tin tưởng. Bên cạnh lòng nhân hậu vô cùng đó, mọi sự hiền hậu và dịu dàng của con người đều không đáng gọi là tốt lành, và bên cạnh tình thương đầy thương xót của Thiên Chúa, thì mọi tình thương của loài người sẽ chỉ là ích kỷ. A, nếu có thể gom lại tất cả mọi sự tốt lành dịu hiền của các bà mẹ, và nếu có thể gom lại tất cả tình yêu của các cặp vợ chồng, rồi đặt vào trái tim của một người, chắc trái tim đó sẽ có vẻ đáng yêu rất mực, và sẽ thu hút được lòng yêu mến của mọi người… Còn trái tim nào cứng cỏi và thô lỗ đến mức không bị chinh phục bởi những vẻ đáng quí đáng yêu của trái tim này chăng ?

Người ta sẽ nói đó là một ảo tưởng, một mơ mộng ! Nhưng không những đó không phải là một ảo tưởng, mà có một sự thật vô cùng tốt lành hơn. Có một Hữu thể vô cùng tốt lành và nhân hậu hơn thế, có tình thương vô cùng thương xót hơn sự tưởng tượng của ta : đó là Thiên Chúa vô cùng tốt lành và nhân hậu mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha chúng ta ở trên trời. Lòng nhân hậu của Ngài và sự dịu hiền của Ngài vượt xa mọi tưởng tượng của ta, và tình thương đầy thương xót của Ngài giống như một đại dương bao la không bờ bến… Lòng nhân hậu tốt lành vô cùng này, chúng ta thường nói tới như một điều trừu tượng và xa xôi, thật ra là một thực tại luôn bao bọc ta, yêu thương ta và chăm sóc cho ta. Từng giây phút, đêm cũng như ngày, Cha trên trời của chúng ta hằng yêu thương và chăm lo cho ta hơn một người mẹ dịu hiền nhất. Chúng ta đáng thương hại như những đứa con sống lưu đày trên mặt đất này, những đứa con vừa bị mù vừa bị điếc. Mù, chúng ta không thể nhìn qua tấm màn của các giác quan để thấy Cha trên trời luôn nhìn xuống, luôn cúi xuống để săn sóc phần hồn phần xác của chúng ta. Điếc, chúng ta không nghe thấy những lời vô cùng yêu thương và dịu dàng Ngài hằng nhắc bảo vào tai chúng ta. Và lòng khô cằn của chúng ta không cảm thấy những rạo rực của Cha trên trời thương ta và muốn ban muôn ngàn hồng ân cho ta. Ước chi mắt linh hồn chúng ta hé mở ra, để ta nhận ra những thực tại vô cùng quí mến này, những ơn phúc vô cùng quí trọng này ! Ước chi chúng ta biết cảm nhận một phần tình thương vô cùng của Thiên Chúa, để chúng ta đừng tiếp tục sống trong sự hững hờ và quên lãng này !

Hỡi linh hồn tôi ! Ít là mi, mi hãy tin hết sức mạnh mẽ vào lòng nhân hậu vô cùng, vào tình thương vô cùng thương xót của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu và dịu hiền của Ngài vượt xa sự dịu hiền của những người mẹ tốt lành nhất, và tình thương đầy thương xót của Ngài vượt xa ngàn trùng tình thương của những cha mẹ tốt nhất đối với những đứa con dễ thương nhất, dầu chúng ta là những đứa con tội lỗi của Ngài. Mi hãy năng nghĩ đến lòng nhân hậu vô cùng dịu hiền của Chúa, hãy năng suy gẫm về tình thương vô cùng thương xót của Ngài, như người nghệ sĩ say mê lâu giờ nhìn ngắm đại dương bao la và kỳ diệu ! Không bao giờ mi có thể hiểu được sự tốt lành vô cùng của Chúa và tình thương bao la của Ngài...

Chúa Giêsu đã đến để mặc khải cho ta điều đó.– Chúng ta có chắc là Thiên Chúa nhân hậu và vô cùng nhân hậu chăng ? Có thật là Thiên Chúa yêu thương ta và yêu thương ta vô cùng chăng? Phải chăng đó chỉ là một mơ ước, một điều tưởng tượng ? Chúng ta dễ thấy quyền năng, và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa. Chỉ cần nhìn vạn vật trên trái đất này, rồi nhìn ra vũ trụ vô cùng bao la với muôn ngàn tinh tú, tâm hồn chúng ta đã run lên vì kính sợ Đấng toàn năng. Chúng ta thấy trái đất mênh mông và kỳ diệu của chúng ta cũng chỉ là một hạt cát trong vũ trụ bao la, ngay cả thế giới bao la của chúng ta cũng chỉ là một hạt bụi trong tay Đấng đã tạo thành hàng tỉ thái dương hệ của chúng ta..

Nhưng làm sao tin được, làm sao biết được Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, và thương yêu chúng ta vô cùng ? Xem ra sự tốt lành, lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã không được ghi rõ trong cuốn sách của vũ trụ. Vạn vật không nói lên điều đó. Các vị hiền triết ngoại giáo đã không nhận ra điều đó. Trái lại, họ chỉ ý thức về quyền năng, về sự vĩ đại và cao siêu của Ngài. Họ cũng nói nhiều về sự công minh của Ngài, luôn sẵn sàng ra tay trừng trị những kẻ gian ác. Cho nên người ta phải kính sợ những sấm sét oán phạt của Ngài, hơn là chạy lại với Ngài như đàn con nhỏ.

Vấn đề Thiên Chúa toàn năng và thẩm phán công minh luôn ra tay trừng phạt, đã là một mầu nhiệm đè nặng trên nhân loại lâu đời. Ngay cả Thiên Chúa của Cựu Ước cũng là Thiên Chúa đáng kính sợ của núi Sinai. Thiên Chúa của sấm sét và mây mù. Dân của Chúa, dân Israel luôn sống trong kính sợ. Các tiên tri trong Thánh Kinh đã nhiều lần nói về tình thương của Chúa. “Thiên Chúa yêu thương mọi loài và không ghét bỏ vật nào trong các vật Ngài đã tạo thành” (Kn 11,25). Đôi khi Thiên Chúa đã dùng những lời rất mạnh mẽ để khẳng định tình thương của Ngài : “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hoặc chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau ? Và cho dù nó có quên con nó đi nữa, Ta cũng không quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Nhưng những lời đó đã không thể trấn an dân Chúa, không xua đuổi được nỗi sợ hãi ngàn đời của loài người trước quyền năng và sự công thẳng của Thiên Chúa. Phải đợi chính Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Người Con hiền hậu và khiêm nhường, người Con chí ái của Thiên Chúa : chính Người Con đó mặc khải tình thương của Thiên Chúa đối với con người chúng ta.

Thật qúi giá vô cùng, việc Chúa Giêsu đã xuống thế mặc khải cho ta thấy Chúa Cha, Cha chúng ta ở trên trời, là người Cha nhân từ, hiền hậu và hết lòng yêu thương chúng ta như con của Ngài. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta kêu Thiên Chúa là Cha. Và Chúa Giêsu còn dạy ta rằng Thiên Chúa là người Cha tốt lành hơn hết mọi người cha (Mt 7,11 ; 23,9). Chúa Giêsu đã cho chúng ta như sờ thấy những sự tốt lành vô cùng của Thiên Chúa, những vẻ tuyệt hảo tuyệt mỹ của Thiên Chúa. Nhất là Ngài đã dạy và đã tập cho ta biết yêu mến Thiên Chúa như người Cha vô cùng nhân hậu. Chúa Kitô dạy ta một điều rất mới lạ, không những Ngài dạy ta kêu Thiên Chúa là Cha, mà còn khẳng định rằng chỉ mình Thiên Chúa là Cha nhân từ, là Cha đích thực (Mt 23,9). Ngài đã đến để đánh tan mọi nỗi sợ hãi của ta, và mở đường cho ta biết mến yêu Thiên Chúa. Ngài đã mặc khải cho ta mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, nhưng Ngài cũng mặc khải cho ta một mầu nhiệm vô cùng trọng đại : Thiên Chúa có bản tính chí thánh, nhưng bản tính của Thiên Chúa cũng là tình yêu, và đối với chúng ta, Thiên Chúa là tình thương vô cùng thương xót. “Ai không yêu thương thì không nhận ra Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình thương” (1 Ga 4,8).

Ôi Chúa Giêsu yêu mến, chúng con yêu mến và cảm tạ Chúa đã mặc khải cho chúng con biết sự tốt lành và tình thương của Chúa Cha. Không những Chúa cho chúng con biết điều đó qua những lời giảng dạy của Chúa, nhưng nhất là qua cuộc sống của Chúa, cuộc sống đầy hy sinh và yêu thương chúng con, vì Chúa là hình ảnh sống động và tuyệt hảo của Chúa Cha. Chúa đã nói với tông đồ Philipphê : “Hỡi Philipphê, ai thấy Thầy là Thấy Cha Thầy” (Ga 14,9). Vâng, chúng con thấy Chúa là thấy tất cả những mầu nhiệm khôn dò của trời đất. Nhìn thấy vẻ hiền từ của Chúa, là chúng con nhìn thấy vẻ hiền từ của Chúa Cha. Nhìn thấy vẻ dịu hiền khôn sánh của Chúa đối với những người thu thuế và những phụ nữ tội lỗi, đến nỗi gây vấp phạm cho những người biệt phái, chúng con thấy rõ lòng thương xót và lòng nhân từ vô cùng của Thiên Chúa Cha.

Khi Chúa giảng cho chúng con nghe những dụ ngôn tuyệt diệu về đứa con hoang đường và về người mục tử tốt lành, thì đó là Chúa dạy cho chúng con một bài học đầy xúc động về lòng nhân từ và thương xót của Cha trên trời. Rồi khi mệt mỏi vì đường xa, Chúa ngồi ở thành giếng để đợi người phụ nữ xứ Samaria có đời sống bê bối, cũng như khi Chúa để cho người đàn bà tội lỗi hôn chân Ngài, và nhất là khi Ngài cứu người đàn bà ngoại tình khỏi bị ném đá, Chúa đã làm gì ? Chúa đã chỉ làm thế để tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha nhân từ vô cùng, hay thương xót vô cùng. Chúa luôn tìm cách mở rộng tâm trí chúng con để thấy và mở rộng tâm hồn chúng con để cảm nghiệm Thiên Chúa tốt lành dường nào, nhân từ dường nào. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để những ai tin vào Người Con đó không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường nói Ngài đến vì những người đau yếu và những người tội lỗi. Chúa đã được Chúa Cha sai đến để nâng đỡ họ dậy, kéo họ ra khỏi đống bùn nhơ của tội lỗi và nết xấu, đem họ về với Cha trên trời, biến đổi họ thành những người nam và những người nữ thánh thiện như Mađalêna...

Lạy Chúa, Chúa tha thứ tất cả, Chúa quên đi tất cả, Chúa sẵn sàng bỏ qua tất cả, nếu Chúa không tha thì chỉ vì chúng con thiếu tin tưởng nơi Chúa. Thật, chúng con sẽ không được tha thứ, nếu sau bấy nhiêu lời giảng dạy của Chúa, và sau bấy nhiêu hành vi tha thứ của Chúa, chúng con vẫn chưa tin tưởng, chưa trọn vẹn tín thác nơi Chúa.

Chúng ta là những con người tội lỗi. Nhưng Mađalêna cũng đã là con người rất tội lỗi. Vậy nếu Chúa đã biến đổi Mađalêna thành một vị thánh, một vị đại thánh với đời sống chiêm niệm cao siêu, thì sao Chúa không có thể biến đổi chúng ta thành những con người thánh thiện, yêu mến Chúa hết lòng, nếu chúng ta khẩn khoản và kiên trì nài xin Ngài ?

§II. - Tình thương đầy thương xót của Thiên Chúa là điều không thể hiểu được và khác hẳn mọi tình thương của loài thọ tạo.

-   Cái nhìn này tạo nên một sự khát khao đau đớn. Để làm giảm sự khát khao đó, tôi phải vui lòng đón nhận mọi thử thách, mọi đau khổ, và nhất là phải hy vọng nên thánh thật sự.

Tình thương đầy thương xót của Thiên Chúa là điều không thể hiểu được.– Chúng ta phải năng suy gẫm cách âu yếm, và mơ tưởng lâu giờ về lòng nhân hậu tốt lành của Cha chúng ta ở trên trời mà Chúa Giêsu Kitô vô cùng khả ái của chúng ta là hình ảnh trung thành và sống động nhất. Trong việc này, chúng ta phải bắt chước các thánh, nhìn khắp nơi để thấy nơi mọi vật sự tốt lành thần linh của Thiên Chúa. Nhất là chúng ta hãy theo gương thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, vị thánh mà Chúa quan phòng đã gửi đến để dạy chúng ta hết lòng mến yêu và tín thác nơi Chúa, như những đứa con bé nhỏ của Ngài. Nhìn thấy một con gà mái đang qui tụ những con gà con dưới đôi cánh của nó, thánh nữ đã bật khóc vì nhớ đến Chúa Giêsu đã khóc thương thành Giêrusalem khi Ngài than thở : “Giêrusalem ! Hỡi Giêrusalem ! Biết bao lần Ta đã muốn quy tụ con cái ngươi, như gà mẹ qui tụ các con nó dưới đôi cánh của nó, nhưng ngươi đã không muốn” (Mt 23,37). Vâng, tình thương vô cùng thương xót của Thiên Chúa là một đề tài suy gẫm không bao giờ hết. Đó là một mầu nhiệm mà càng suy niệm, ta càng thấy sâu thẳm.

Thật là một mầu nhiệm và khó hiểu, tình thương của Thiên Chúa đối với một loài thọ tạo bé nhỏ gần như hư vô, lại vương bao nhiêu là khốn nạn và nhất là bao nhiêu tội lỗi !

Mà tình Chúa thương ta không chỉ là một thứ cảm thương và thương hại. Đúng thế, người ta đã thấy những hoàng tử, những ông vua hảo tâm cúi xuống ban của bố thí cho những người hành khất ghẻ lở và hôi hám, hoặc ghé tai nghe những lời van xin của những kẻ ăn xin rách rưới và dơ bẩn. Cũng có những hoàng tử đem lòng yêu thương một thiếu nữ bình dân, nghèo khổ, nhưng có sắc đẹp tự nhiên. Nhưng không bao giờ nghe nói một hoàng tử, hoặc một ông vua đem lòng yêu thương một thiếu nữ bị bệnh cùi, hoặc ghẻ lở thối tha. Chuyện đó chỉ xảy ra với Vua cả trời đất, với Thiên Chúa chúng ta. Ngài là Đấng chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài cũng là tình thương : một cách thật là khó hiểu, một cách vô cùng mầu nhiệm, Ngài yêu thương chúng ta là loài thọ tạo thấp hèn, với đầy dẫy những sự khốn nạn và tội lỗi, mà không chỉ yêu thương bằng một sự thương hại và cảm thương, nhưng bằng một tình thương cha con, một tình thương hướng tới hiệp nhất. Một tình thương hiệp nhất.

Ngài thương yêu ta bằng một tình thương chiếu cố, một tình thương đầy thương xót, khiến Ngài nhắm mắt không nhìn đến những chỗ ghẻ lở, những tội lỗi của chúng ta, và chỉ mong chúng ta mến yêu Ngài, đáp lại tình thương của Ngài. “Con ơi, hãy dâng trái tim con cho Cha”. Chúa muốn chiếm lấy trái tim ta, Ngài muốn chiếm lấy tình mến yêu của tạo vật bé nhỏ của Ngài. Ngài đã hiến thân cho ta và đòi ta hiến thân cho Ngài. Suốt đời, Ngài tìm cách kéo ta lại gần Ngài, và Ngài cố gắng xua ra khỏi trái tim ta bất cứ quyến luyến nào khác. Ngài bị từ chối, bị phản bội, nhưng Ngài không nản, Ngài kiên trì trở lại “tấn công” cho tới khi chiếm được trái tim ta. Đúng thế, sau những nỗ lực phi thường về khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương, Ngài quyết đi tới chỗ chiếm được tình mến yêu của ta, để kết hiệp với ta trong sự hiệp nhất của tình yêu, đến nỗi ngay ở đời này, Ngài có thể kêu lên trong niềm hoan lạc thần linh : “Tôi đã gặp được người lòng tôi yêu dấu, tôi nắm lấy và sẽ không buông ra nữa” (Dc 3,4).

Tình thương này khác hẳn mọi tình thương của loài thọ tạo.– Đáng tiếc thay ! Nơi trần gian này chúng ta không có từ ngữ để diễn tả tình thương đó của Thiên Chúa, một tình thương tuyệt đối độc nhất và không thể so sánh với bất cứ tình thương nào khác nơi loài thọ tạo. Ngôn ngữ của loài người qúa thấp hèn và qúa nghèo nàn, không thể nào nói lên được những sự việc của Thiên Chúa, nhất là không thể diễn tả tình thương siêu việt của Thiên Chúa, vượt xa vô cùng tình thương của người mẹ thương con mình, người chồng yêu vợ mình, những người bạn chí thân yêu thương nhau. Thật ra đó là một sự khác biệt về bản tính, chớ không chỉ khác biệt về phẩm chất. Tình thương của Chúa tốt lành vô cùng, chỉ tinh ròng là yêu thương, không pha trộn mảy may ích kỷ, cho nên mọi tình thương của loài người chúng ta sẽ không đáng gọi là tình thương, nếu so sánh với tình Chúa thương ta. Cho nên các thánh đã dạy rằng : đem danh từ tình thương chúng ta vẫn dùng trong những tình yêu thương loài người, để gọi tình Chúa thương ta là nói phạm, nói xàm bậy. Chúng ta biết thánh nữ Angela đệ Fôlignô, bị thiêu đốt bởi lửa mến yêu Sêraphim, nhiều lần trong những khi được ơn xuất thần vì yêu mến, đã nói một cách đau đớn : “Ôi ! Tôi nói xàm, vâng, tôi nói phạm. Tất cả những gì tôi nói về lòng mến yêu đều không đúng với sự thật !”.

Nhận định này gây nên một niềm khao khát đau đớn. Để làm dịu sự đau đớn này, ta hãy vui vẻ đón nhận những thử thách và những sự khốn nạn của mình. Nhất là hãy tin tưởng đạt được sự thánh thiện đích thực.– Chúng ta vừa thấy tình thương đầy thương xót của Thiên Chúa có bản chất khác hẳn mọi sự thương yêu nơi loài thọ tạo. Tình thương đó vượt xa mọi tình thương của loài người vô cùng. Hãy nhớ là : vô cùng. Vậy chúng ta cũng phải tin tưởng và tín thác nơi tình thương đó muôn vàn lần nhiều hơn là tin vào các tình thương của loài người. Niềm tín thác đó phải vững vàng và trọn vẹn hơn bất cứ niềm tín thác nào khác. Đó niềm tín thác vô biên, hết sức mạnh mẽ, hết sức trìu mến, tuyệt đối không gì lay chuyển được. Đó phải là một tâm tình vượt qúa những gì ta thường hiểu với từ tín thác...

Đúng thế, đó phải là một cái gì xứng đối với tình thương vô cùng Thiên Chúa dành cho ta, một tâm tình cao hơn niềm tín thác, trọn vẹn hơn sống tín thác, một tâm tình mà ngôn ngữ loài người không thể diễn tả được, cũng như tình thương đầy thương xót của Chúa là điều không lời nào nói lên được.

Không bao giờ, thật không bao giờ, dầu tôi cố gắng thế nào đi nữa, tôi cũng không thể đáp lại một phần lòng nhân hậu của Chúa, và tình thương đầy thương xót của Ngài đối với tôi. Nếu tôi càng suy gẫm, tư tưởng này sẽ càng là một thứ lửa thiêu đốt tâm can tôi, thúc bách tôi hãy đền đáp lại bằng lòng mến yêu và bằng niềm tín thác ngày càng trọn vẹn hơn. Tư tưởng đó sẽ là như một vết thương lòng, thôi thúc tôi phải đền đáp cho đến khi tôi lìa đời…

Những linh hồn quảng đại và thánh thiện đã hao mòn vì ước ao yêu mến. Cũng như thánh nữ Sêraphim thành Avila, họ đau khổ như chịu tử đạo vì thấy mình chưa yêu mến Chúa như lòng ước ao, và như Thiên Chúa đáng mến yêu. Họ đau khổ vì chưa đáp lại được phần nào tình thương vô biên của Thiên Chúa. Thánh nữ Têrêxa thành Avila đã kể lại những đau khổ đó nơi những trang sách bất hủ. Nếu chúng ta yêu mến Chúa nhiều, chúng ta cũng đã đôi khi, hoặc nhiều lần cảm thấy những niềm khát khao đau đớn đó.

Chúng ta có cảm thấy đau khổ vì chưa đủ tín thác chăng ? – Không bao giờ tôi có thể có niềm tín thác trọn vẹn như lẽ ra tôi phải có, và phải có để đáp lại lòng nhân hậu và tình thương của Chúa… Lời than thở này lẽ ra phải vang lên nơi đáy lòng tôi, như một âm vang chân thành và đau đớn. Thật vậy, không bao giờ tôi có thể yêu mến Chúa như Ngài đáng mến yêu, và không bao giờ tôi có thể tín thác nơi Ngài như lẽ ra tôi phải làm : đó là hai mũi tên yêu thương lẽ ra phải đâm nát trái tim tôi, như mũi tên lửa yêu mến mà một thiên thần Sêraphim đã đâm thâu qua trái tim của thánh nữ Têrêxa thành Avila, để lại đó một vết thương không bao giờ lành, một niềm khát khao yêu mến không nguôi… Vẻ đáng mến và vẻ đẹp thần linh của Thiên Chúa vượt xa vô cùng khả năng yêu mến của tôi thế nào, thì lòng nhân hậu và tình thương đầy thương xót của Ngài cũng vượt qúa khả năng tín thác yếu hèn của tôi như vậy. Không bao giờ lòng mến yêu của tôi, nhiều lúc xem ra rất nồng nàn và mạnh mẽ, sẽ có thể tỏ ra phần nào xứng với Thiên Chúa vô cùng đáng mến và đáng tôn thờ. Và không bao giờ niềm tín thác đôi lúc có vẻ trọn vẹn của tôi sẽ phần nào xứng với lòng nhân hậu và nhân từ của Thiên Chúa.

Ôi, cuộc tử đạo diễm phúc, niềm khát khao đau đớn của những linh hồn cảm thấy mình là lễ vật hy sinh cho tình thương vô cùng thương xót của Chúa ! Họ đã cảm nghiệm sâu xa lòng nhân hậu và tình thương của Chúa, nên rất đau khổ vì chưa yêu mến Chúa nhiều như lòng mong ước, và chưa tín thác trọn vẹn như họ thấy phải làm.

Tư tưởng này sẽ là ánh sáng tốt lành cho tôi biết bao ! Nếu tôi suy gẫm điều này không phải mười lần, nhưng trăm ngàn lần, cho tới khi tâm hồn tôi thấm thía, cuộc đời tôi thấm nhuần tư tưởng này, chắc cuộc sống của tôi sẽ được biến đổi rất nhiều. Tất cả những gì trước đây vẫn làm tôi lo sợ, tất cả những gì làm chao đảo niềm tín thác của tôi, tất cả những sóng gió bão táp vùi dập con thuyền bé nhỏ của linh hồn tôi, nay sẽ trở nên những lý do để tôi thêm tín thác. Đúng vậy, chúng sẽ là những cơ hội quí báu để tôi tập nhân đức tín thác trọn vẹn và tinh ròng. Phải chăng đó là những dịp để tôi đẩy niềm tín thác tới những giới hạn cuối cùng ?

Vâng, từ nay tôi sẽ qúi mến chào đón những lúc khô khan và những giờ phút chán nản diễm phúc đó. Tôi sẽ vui nhận những cơn cám dỗ ghê sợ và những đêm tối đầy lo âu đó như những dịp để tôi chứng tỏ lòng mến yêu và trông cậy Chúa. Trong những đêm tối đó, sự nhân hậu tốt lành của Chúa ẩn mình đi, như mặt trời ẩn mình trong những đêm dài, đồng thời Chúa vẫn nói với tôi : “Hỡi linh hồn dấu yêu, con có còn tin tưởng nơi Cha không ? Vẫn tin tưởng như trước không ?”. Những đêm tối mà xưa kia tôi vẫn lo sợ và chán ghét, thì nay tôi phải coi là tốt lành cho tôi và đáng quí mến đối với tôi. Trong những giờ phút đen tối như thế, thay vì kêu : “Lạy Chúa, chúng con chết mất”, tôi sẽ thưa Chúa rằng : “Lạy Chúa, con tin Chúa vẫn ở đây với con. Con tin cậy nơi Chúa cách vững vàng như trước đây”. Và tôi có thể mượn lời của ông Gióp để thưa Chúa : “Dầu Chúa có giết con, con vẫn tin cậy nơi Ngài” (Gióp 13,13). Tôi cũng sẽ làm như tổ phụ Abraham : “Tôi sẽ tin tưởng khi không còn gì để tin tưởng” (Rm 4,8). Vâng, trong những giờ phút lo âu nhất, bị cám dỗ nặng nề nhất, tôi sẽ nói như chân phước Têrêxa: “Tôi biết bên trên những đám mây đen buồn sầu này, mặt trời yêu thương của tôi vẫn sáng chói”.

Ôi ! Những cơn thử thách diễm phúc, ôi những giờ phút chán nản may lành ! Từ nay tôi sẽ coi đó là những dịp tốt để tôi luyện tập và chứng tỏ niềm tín thác của tôi với Chúa. Tôi sẽ chúc tụng Chúa nhân từ vì những cơn thử thách đau đớn này : chính những sự đau đớn này sẽ làm dịu nỗi khát khao đau khổ của tôi, muốn đền đáp lòng thương xót vô cùng của Chúa.

Rồi cả những sự khốn nạn bẩm sinh của tôi, những lỗi phạm xưa kia của tôi, những sự bất trung bất nghĩa với ân sủng của Chúa, những sự yếu đuối và cả những tội lỗi xưa của tôi : tôi sẽ nhìn tất cả những sự này dưới một ánh sáng mới. Tất cả những sự khốn nạn này cũng sẽ được ân cần chào đón, như những dịp để tôi sống tín thác trọn vẹn, những phương tiện để tôi tỏ bày niềm tin tưởng vào lòng nhân hậu vô cùng của Chúa.

Khi tôi thấy mình xấu xa và tội lỗi, tôi sẽ không nói : “Tôi xấu xa qúa, không thể đẹp lòng Thiên Chúa, tôi bất trung qúa, không thể làm vui lòng Ngài”. Khi tôi sa vào những khiếm khuyết hoặc sa ngã phạm tội gì, tôi sẽ không đổ quặu với mình hoặc chán nản ngã lòng, nhưng như một đứa con ngoan ngùy và đầy lòng tin tưởng vào Cha nhân từ của mình, tôi sẽ đến gieo mình vào lòng Ngài, ôm lấy Ngài và thưa Ngài với niềm tín thác rằng : “Con sẽ không làm như thế nữa.”

Ôi những khuyết điểm đáng yêu ! Ôi những sự khốn nạn đáng quí ! Trước kia tôi coi đó là nỗi lo sợ và đau khổ của tôi, nhưng bây giờ chúng đã trở thành niềm vui của tôi. Nếu tôi hoàn toàn thánh thiện, nếu tôi hoàn toàn trong sạch, làm sao tôi có thể chứng minh niềm tin cậy lớn lao của tôi nơi tình thương đầy thương xót của Chúa ? Khi đó, làm vui lòng Chúa không khó gì. Nhưng khi thấy mình xấu, đáng Chúa ghét bỏ, mà vẫn tin vào lòng nhân hậu và tình thương bao la của Ngài, đó mới là niềm tin tưởng và tín thác trọn vẹn. Đó là thực thi đức trông cậy tuyệt đối siêu nhiên. Bởi vậy, trước đây tôi càng lo sợ và chán ghét những sự khốn nạn mà Chúa vẫn để tôi mắc phải, thì từ nay tôi càng chúc tụng Chúa vì đã để tôi mắc phải như vậy.

Như thế đã hết chưa ? Tôi không còn có thể tín thác hơn nữa sao ? Còn cơ hội nào khác để tôi thực thi niềm tín thác vô biên vào tình thương vô cùng thương xót của Chúa chăng ? Tôi nghĩ là còn một cơ hội nữa, cơ hội độc nhất của tôi, cơ hội vượt xa mọi cơ hội khác. Tôi trông cậy sẽ làm vui lòng Chúa. Hôm nay tôi cảm thấy, mặc dầu những sự khốn nạn của tôi, tôi có thể làm vui lòng Chúa nhiều, nhưng tôi có dám đẩy niềm tin tưởng tín thác đến chỗ cùng kiệt chăng ? Tôi có dám tin cậy sẽ có ngày làm vui lòng Chúa cách trọn vẹn chăng ? Nghĩa là tôi có dám trông cậy thật sự trở thành một người thánh chăng ? Có thể nào một ngày nào đó tôi sẽ yêu mến Chúa bằng một lòng mến yêu tinh ròng, yêu Chúa như một vị thánh yêu mến Chúa chăng ? Điều đó có thể được chăng ?

Những điều khác thì được, còn điều này xem ra không được, bởi vì tôi qúa bất trung với ân sủng của Chúa, khó dạy, lại ít mau mắn đáp lại những ơn soi sáng của Ngài. Cho nên trông cậy điều này sẽ không còn là niềm tín thác, nhưng đó sẽ là liều lĩnh, điên khùng. Qúa khứ của tôi không còn đó để tiên đoán về tương lai của tôi sao ? Mặc dầu những nỗ lực của tôi, trong công cuộc nên thánh của tôi, tôi có tới gần bậc trọn lành hơn chăng ? Tôi có gần tới đỉnh cao của sự toàn thiện chăng ? Chúng ta không nên có những ảo tưởng.

Nhưng này ! Linh hồn tôi ơi ! Đây đúng là cơ hội tốt nhất để thực thi niềm tín thác bằng một hành động. Trông cậy điều đó qúa đáng, đúng thế, đó là điều qúa đáng ! Nhưng đó lại chính là điều tôi trông cậy. Lòng nhân hậu tốt lành và tình thương của Chúa cũng qúa đáng, cho nên tôi cũng muốn làm một điều qúa đáng : tôi muốn đẩy lòng cậy trông của tôi tới chỗ qúa đáng, tới mức điên khùng. Tôi muốn cậy trông mọi sự nơi Chúa, nhất là những gì có vẻ qúa đáng, có vẻ liều lĩnh và không có thể.

Muốn thế tôi phải làm gì ? Phải đừng nhìn vào mình nữa, đừng tin tưởng vào sức mình nữa, đừng tin cậy vào sức yếu hèn của tôi, cái sức đã bao lần bỏ rơi tôi ! Hãy nhìn lên cao ! Nhìn vào Chúa, nhìn vào lòng nhân hậu tốt lành vô biên của Chúa, nhìn vào tình thương vô cùng của Ngài là tình thương luôn yêu thương tôi và muốn kết hiệp với tôi ngay ở đời này. Điều phải làm, là đưa hai tay bé nhỏ của tôi lên và khẩn nài Chúa như thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã làm xưa : “Lạy Chúa, xin hãy xem, mặc dầu mọi nỗ lực của con, con vẫn ở dưới chân của cầu thang trọn lành”. Và vô cùng nhân hậu như một người mẹ hiền, Thiên Chúa sẽ cúi xuống bồng tôi lên trong cánh tay Ngài và giúp tôi mau lẹ bước tới bậc trọn lành.

Cậy trông mình sẽ nên thánh, tin tưởng mình sẽ nên thánh thật sự, và cậy trông cách mạnh mẽ và vững vàng, mặc dầu tôi thấy mình rất khốn nạn, đầy những nết xấu và chỉ có những niềm ao ước bất lực, đó chính là bằng chứng của niềm tín thác lớn lao. Đó chính là sự đáp lại mà lòng nhân hậu và tình thương vô cùng của Chúa mong đợi ở nơi tôi. Tôi nghèo hèn, điều đó có hệ gì ? Tôi càng nghèo hèn, càng thiếu thốn, càng yếu đuối, tôi sẽ càng không tin cậy vào bản thân mình và sẽ chỉ tin cậy vào Chúa. Bởi vậy càng tự cảm thấy mình nghèo nàn, tôi sẽ càng hết lòng tin cậy nơi lòng nhân hậu vô cùng của Chúa, và như vậy tôi sẽ càng chắc chắn được lòng Chúa. Một chút tín thác đích thực, chỉ cần một niềm tín thác lớn bằng hạt cải thôi. Đó là tất cả những gì Chúa đòi hỏi tôi. Tôi tưởng như nghe Chúa Giêsu hỏi tôi rằng : “Con có  tin điều đó không ?” (Ga 11,26). Con có tin rằng Cha có thể làm cho con nên thánh chăng ? Bởi vì chính Chúa đã nói: “Mọi sự đều có thể cho kẻ tin” (Mc 9,22). Và tôi sẽ đầy lòng mến và tin tưởng thưa Chúa rằng : “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa giúp sự yếu niềm tin của con” (Mc 9,23).

Ôi ! Lòng nhân hậu đầy thương xót và đầy yêu thương của Chúa Giêsu con yêu mến, cho đến nay con ít hiểu biết Chúa qúa, con ít tin tưởng vào Chúa qúa ! Xin Chúa tha cho con tất cả những lỗi lầm của con, vì con đã qúa quen cậy vào sức mình và không tin cậy vào Chúa. Ôi đại dương của lòng nhân hậu và thương xót, Chúa bao bọc con tư bề và thấm nhuần tâm can con ! Con xin tín thác trọn vẹn nơi Chúa. Không một chút nghi ngại và không một chút dè dặt nào nữa, con phó mình cho tình thương dịu hiền và cho sự chăm lo tận tình của Chúa. Con trông cậy mọi sự nơi Chúa, con mong đợi mọi sự nơi Chúa. Con biết không bao giờ niềm tin cậy của con, dầu táo bạo và liều lĩnh đến đâu, có thể lớn bằng lòng nhân hậu vô cùng của Chúa. Con sẽ mãi mãi cậy trông. Giữa những cơn cám dỗ, giữa những đêm tối tăm, những lúc chán nản, những khi sa ngã, và giữa những cơn thử thách đau đớn, con sẽ tin cậy Chúa với một niềm tin cậy không nao núng, để đáp lại tình thương vô cùng của Chúa. Sau cùng và nhất là con tin cậy sẽ nên thánh, nên thánh thật sự, mặc dầu sự thánh thiện xem ra qúa cao vời đối với con. Con muốn, bằng một niềm tín thác của đứa con nhỏ, an ủi Chúa về những thiếu sót tin cậy trước kia của con. Và cũng để an ủi Chúa về sự thiếu tin cậy mà con nhận thấy nơi nhiều linh hồn rất quảng đại trong việc phụng sự Chúa. Thật vậy, qúa ít linh hồn trọn vẹn tín thác nơi Chúa, và điều này dễ thấy cả nơi những linh hồn yêu mến Chúa rất nhiều. Vậy con muốn được kể vào số những linh hồn không những cảm thấy đau khổ vì chưa yêu mến Chúa hết lòng, mà còn đau khổ vì chưa đáp lại tình thương vô cùng của Chúa bằng một niềm tín thác trọn vẹn. Vâng, con muốn được kể vào số những linh hồn biết đau khổ vì chưa yêu mến Chúa, như lẽ ra họ phải yêu mến Ngài, và biết đau khổ vì chưa tin tưởng vào lòng nhân hậu và tình thương của Chúa, như lẽ ra họ phải đáp lại.

Con muốn cậy trông mọi sự nơi Chúa, trông chờ mọi sự nơi Chúa. Nhất là con cậy trông và mong chờ Chúa giúp con, vì, lạy Chúa, chỉ những ân sủng mạnh sức của Chúa mới có thể chữa lành niềm tín thác yếu ớt của con, để con có được một niềm tín thác trọn vẹn, làm vui lòng Chúa và an ủi Chúa.  “Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cậy và tín thác cho con !”.